Giới thiệu chung
Quận Ô Môn là quận nội ô trực thuộc thành phố Cần Thơ (được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Ô Môn thành quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP của Chính phủ), có diện tích 13.222 hecta, trong đó diện tích nông nghiệp 10.130,7 ha, diện tích phi nông nghiệp 3.590 ha; dân số toàn quận hiện nay khoảng 140.030 người (trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 5,32% dân số, tín đồ các tôn giáo chiếm 34,45% dân số)
Trụ sở Ủy ban nhân dân quận Ô Môn
Về vị trí địa lý: Bắc giáp quận Thốt Nốt; Nam giáp quận Bình Thủy và huyện Phong Điền; Đông giáp sông Hậu, ngăn cách với các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp; Tây giáp huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ.
Về đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 phường:
- Phường Châu Văn Liêm.
- Phường Thới Hòa.
- Phường Thới An.
- Phường Phước Thới.
- Phường Trường Lạc.
- Phường Thới Long.
- Phường Long Hưng.
Quận Ô Môn nằm cách Trung tâm thành phố Cần Thơ 21 km, nên sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của thành phố ít nhiều có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của quận Ô Môn. Bên cạnh đó, quận Ô Môn cũng có một số điều kiện thuận lợi như: Về giao thông đường bộ, Ô Môn có tuyến quốc lộ 91, 91B nối từ quốc lộ 1A qua địa bàn quận dài 20 km, 4 tuyến tỉnh lộ nối từ quốc lộ 91 tỏa ra các hướng; Về đường thủy có sông Hậu chảy qua địa phận quận dài 15km, các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông dễ dàng đến cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui. Nhìn chung, cả hai tuyến thủy, bộ đều giao lưu thuận tiện đến các tỉnh lân cận, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước bạn Campuchia. Ngoài ra, còn có sông Ô Môn là đầu mối giao lưu thuận tiện đến các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và hệ thống kênh rạch chằng chịt như: Rạch Tắc Ông Thục, Ba Rích, Cam My, Bà Sự, Tầm Vu, Rạch Bằng Tăng, … rất thuận lợi việc đi lại, vận chuyển. Trên địa bàn quận có Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ trực thuộc Trung ương tọa lạc tại phường Phước Thới thu hút hàng ngàn học sinh từ khắp nơi về theo học.
Thời gian qua, UBND quận Ô Môn đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều ngành và lĩnh vực tăng trưởng khá; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh so với kế hoạch đề ra. Theo đó, giá trị sản xuất của quận tăng khá, vượt so kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định; hoạt động thương mại - dịch vụ sôi động, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển; hoạt động khoa học công nghệ hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra. Quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường. Cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế được nâng lên; an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; hệ thống thiết chế văn hóa từng bước hoàn thiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quận.
Đất Ô Môn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, sản xuất nhiều lúa gạo, có sông nước hiền hoà, là nơi có phong cảnh đẹp, có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: làng nghề bánh kẹo Ba Rích, phường Thới An; mô hình nuôi vịt thịt, phường Long Hưng; mô hình trồng cam xoàn, bưởi da xanh, nhãn idol, phường Thới An,… với những vườn cây trái sum suê bốn mùa. Sản lượng lúa hàng năm vẫn giữ vững và tăng đều ở mức trên 92 nghìn tấn, với năng suất bình quân trên 4,93 tấn/ha/năm. Tổng diện tích trồng màu hàng năm đạt trên 2.200 ha, tập trung vào những loại cây phù hợp cho năng suất cao, có thị trường ổn định như: đậu nành, mè, bắp lai, đậu xanh,... vườn cây ăn quả đặc sản các loại trên 2.500 ha, cung cấp sản lượng hàng năm khoảng 25.000 tấn trái cây, có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái rất tốt. Các phường nằm ven sông Hậu như: Phước Thới, Thới An, Thới Long còn phát triển với nghề nuôi trồng thủy sản như: cá tra, cá bống tượng, cá rô phi đơn tính, cá rô đồng, tôm với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm.
Diện mạo đô thị của quận đã có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Ngay từ những ngày đầu thành lập, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội rất thiếu và yếu; hệ thống giao thông chưa phát triển, chủ yếu là đường đất; hệ thống điện, nước sinh hoạt còn hạn chế. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; đã xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài; nhiều công trình hạ tầng kinh tế quan trọng được đầu tư trên địa bàn quận như: Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, Khu công nghiệp Trà Nóc 2… Ngoài tuyến Quốc lộ 91, từ trung tâm quận đến các phường đều có đường ô tô, hệ thống đường liên khu vực, liên phường được bê tông hóa, phục vụ tốt cho đời sống, sản xuất và thu hút đầu tư phát triển.
Toàn quận có 42 trường học các cấp, trong đó có 31 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Có 83/83 khu vực đạt khu vực văn hóa và 06/07 phường được công nhận phường văn hóa (Châu Văn Liêm, Trường Lạc, Thới Long, Long Hưng, Thới Hòa và Thới An).
Ô Môn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, nơi hội tụ các di tích lịch sử nổi tiếng như: Chùa Pôthisômrôn, Đình thần Thới An, Linh sơn cổ miếu,...
Chùa Pôthisômrôn Đình thần Thới An
Ô Môn là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng như: Châu Văn Liêm - một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Trần Kiết Tường, nhạc sĩ Đắc Nhẫn, nhạc sĩ Triều Dâng...
Châu Văn Liêm (1902-1930) Lưu Hữu Phước (1921-1989)
Công tác cải cách hành chính của quận đạt được những kết quả quan trọng, được đánh giá cao với nhiều mô hình cải cách hành chính đột phá như: mô hình Một cửa liên thông ứng dụng Công nghệ thông tin tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả quận, phường; Mô hình Khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng, nhận xét của khách hàng đối cán bộ với Bộ phận Một cửa quận khi tiếp nhận hồ sơ; Mô hình giám sát hoạt động tại Bộ phận Một cửa quận, phường; Mô hình Dịch vụ phát trả hồ sơ tận nhà; Hệ thống mời họp qua tin nhắn điện thoại di động; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ quận đến phường; Chương trình thứ 7 gặp gỡ doanh nghiệp; Chương trình tiếp xúc công dân tại địa bàn dân cư,...
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Khu vực phòng thủ quận được xây dựng vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Với truyền thống cách mạng vẻ vang, giàu lòng yêu nước; với bản tính cần cù, chịu khó; với tiềm năng kinh tế và lực lượng lao động dồi dào, Đảng bộ và nhân dân quận Ô Môn đoàn kết một lòng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm đưa quận Ô Môn tiếp tục đi lên, phát triển bền vững, góp phần vào thành quả đổi mới của Đảng ta hiện nay.
- Thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản
- Thông báo về việc lấy ý kiến hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất năm 2025
- Phương thức, thủ đoạn hoạt động của một số loại tội phạm hiện nay
- Thông báo về việc dừng tuyển dụng viên chức theo Thông báo số 3144/TB-UBND ngày 05/12/2024 của UBND quận Ô Môn
- Thông báo tuyển dụng viên chức sự nghiệp công lập năm 2025
- Kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp công lập năm 2025
- Thông báo: về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
- Mời tham gia cộng tác Ấn phẩm “Xuân Ô Môn - Ất Tỵ năm 2025”
- Thông báo xét tuyển công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Thới Hòa năm 2024
- Thông báo: đăng ký nhu cầu sử dụng đất để lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 trên địa bàn quận Ô Môn